Đến từ : Nông Học A
Tuổi : 34
post : 166
points : 438
thanked : 0
Tham gia ngày : 17/03/2011
|
| | Người phụ nữ Nam Bộ duy nhất trên tàu không số |
Theo một thông lệ truyền thống hơi nhuốm màu duy tâm, phụ nữ không thể có mặt trên tàu, thuyền đang ra khơi hay làm nhiệm vụ quan trọng. Nhưng tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đầy huyền thoại đã có mặt duy nhất một người phụ nữ Nam Bộ, bà Nguyễn Thụy Nga - Bảy Vân, phu nhân của cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn.
Quyết định trở về Nam chiến đấu
Mang trong mình quyết tâm về Nam góp sức cùng đồng bào kháng chiến chống Mỹ, thống nhất nước nhà, người phụ nữ Nam Bộ nhỏ nhắn, hiền hậu, quyết định xa chồng, để lại 3 con nhỏ ở Hà Nội, cùng các thủy thủ đoàn tàu không số chở vũ khí vào Nam. Đó là chuyến đi vào tháng 8/1964 đầy sóng gió và bất trắc, hiểm nguy.
Trong căn nhà ấm áp ở khu Đô thị mới Phú Mỹ Hưng -TP Hồ Chí Minh, ở tuổi 85, bà vẫn giữ được nét đài các, đôn hậu, minh mẫn. Bà dành cho thế hệ con cháu như tôi cuộc trò chuyện thú vị về cuộc hành trình này.
-Thưa bà, việc về Nam bằng tàu không số chở vũ khí trên đường Hồ Chí Minh trên biển do bà hay ai quyết định?
-Do anh Ba (đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn) quyết định. Vì tôi nhỏ người, sức yếu, không thể mang vác mấy chục ký trên lưng, lội bộ theo đường Trường Sơn mấy tháng trời để vào Nam. Cũng bởi phương án đi bằng tàu của Trung Quốc cùng anh Nguyễn Chí Thanh vào cảng Xihanucvin - Căm-pu-chia không thành, do bên Căm-pu-chia không đồng ý với việc có phụ nữ trên tàu cập cảng của họ, họ cho rằng điều đó mang vận xui đến.
Lúc này, đường Hồ Chí Minh trên biển đã được “mở” trong vòng bí mật tuyệt đối. Biết là rất nguy hiểm và khả năng hy sinh trên đường đi là rất lớn, nhưng nếu không mạo hiểm và quyết tâm thì làm sao có thể đi được. Và anh Ba đã đề nghị cho tôi đi chuyến tàu không số chở vũ khí vào Nam bộ vào tháng 8-1964.
-Thưa bà, chuyến đi đó có mấy người, và họ bây giờ như thế nào?
-Cùng đi với tôi có 4 đại tá quân đội, anh Nguyễn Thiện Thành- bác sĩ quân y, nổi tiếng với công trình cấy Philatop (ba của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bây giờ), anh Xuyên Khung, có thể nói là “Thủy tổ” của lối đánh đặc công, người Nam bộ, vừa ra Bắc báo cáo công tác với Bác Hồ và nhận lệnh vào Nam thành lập đơn vị đặc công. Ngoài ra còn 2 anh nữa, một làm công tác chính ủy, một bên quân báo. Và thủy thủ đoàn gồm 26 chiến sĩ. Những ai bước chân lên tàu không số đều xác định: ra đi là cảm tử, rời bến là hy sinh. Làm cách mạng, không ai nghĩ chuyện mất, còn mà tính toán... Nhiều năm trôi qua, thật sự tôi cũng không còn rõ nay ai còn ai mất, nhưng kỷ niệm về họ trên chuyến tàu thì vẫn luôn ghi nhớ.
-Chuyến đi theo như bà nói dự kiến 6-7 ngày là tới, nhưng rốt cuộc phải lênh đênh 2 tháng trời trên đại dương?
-Chuyến tàu không số ấy xuất phát vào một đêm tháng 8-1964 tại bến K15 Đồ Sơn (Hải Phòng), điểm đến là bến Rạch Gốc (Cà Mau). Theo như hải trình thì quãng đường đi chỉ mất chừng 6-7 ngày trong điều kiện biển êm, thời tiết tốt. Nhưng chuyến đi đó, tàu của chúng tôi đã bị trục trặc ngay từ đầu. Do sự kiện Vũng Rô, cũng là tàu không số chở vũ khí vào miền Trung bị phát hiện và phải cho nổ tàu, phía địch đánh hơi nghi ngờ, trên biển lúc nào cũng có tàu và máy bay của Hạm đội 7 Mỹ quần thảo trinh sát. Trung ương 3 lần gọi tàu trở lại rồi ra khơi, cũng may là tàu chỉ quay lại và neo ở đảo Hải Nam - Trung Quốc … Và hành trình vì thế từ 1 tuần lên đến 2 tháng.
-Hành trình trên đại dương suốt 2 tháng trời, có khi nào chuyến tàu rơi vào tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” và phải tính đến nước “nổ tàu” bảo toàn bí mật?
-Có nhiều chứ, nhưng nhớ nhất có lần máy bay địch bay ngay trên đầu, đánh tín hiệu xuống hỏi tàu của quốc gia nào, đang làm gì. Lúc đó anh em đánh tín hiệu cho biết là tàu đánh cá của Phi-líp-pin, đồng thời lấy lá cờ treo lên. Nhưng cũng đồng thời lúc đó, dưới khoang tàu, tất cả đã được lệnh chiến đấu. Các chiến sĩ đã lật lưới cá lôi pháo ra chuẩn bị bắn trả, các anh cũng nói nếu tôi có tài liệu gì liên quan đến miền Bắc thì hủy hết, rồi lại chuẩn bị thuyền nhỏ nếu có gì thì tôi xuống thuyền nhỏ thoát vào bờ… Vâng, tất cả như cùng đang ngồi trên quả bom khổng lồ chờ nổ theo đúng cả nghĩa đen- nghĩa bóng. Nhưng rồi cũng may, bọn địch ngỡ tàu cá thiệt nên bỏ qua. Và chúng tôi về tới đích.
Những kỷ niệm trên sóng đại dương và trong tàu không số
Lênh đênh trên biển ròng rã 2 tháng trời, cuối cùng trong một đêm tháng 10-1964 tối đen như mực, như bà diễn tả lại: “Giơ bàn tay ra không thấy ngón tay mình”, con tàu không số đã cập bến Rạch Gốc - Cà Mau an toàn cùng với số vũ khí chi viện cho chiến trường Nam Bộ và người phụ nữ Nam Bộ nhỏ nhắn mà kiên cường, đã chiến thắng sóng gió đại dương cùng những hiểm nguy trong hành trình vượt biển.
-Thưa bà, trong 2 tháng lênh đênh trên sóng, kỷ niệm nào bà nhớ nhất?
-Kỷ niệm thì nhiều, nhớ thì cái nào cũng nhớ, không biết nhớ nhất cái nào. Như lần tàu được lệnh quay lại, giạt vào đảo Hải Nam - Trung Quốc neo nhờ đợi bình yên lại tiếp tục hành trình, tàu được bạn tiếp tế rất nhiều lương thực, thực phẩm, nước ngọt… Lần đó, tôi đã trổ tài “khéo” của phụ nữ Nam Bộ, xuống bếp làm rất nhiều món ăn, cả món Việt lẫn món Tây. Lần đó tôi đã làm món rau xà lách trộn, gà xé phay, các món bánh tráng miệng như bánh choucrem, bánh flan… Mọi người ăn rất nhiều, ăn hết, ai cũng khen… Có thủy thủ còn nói rất cảm động, có lẽ đây là bữa ăn ngon nhất được ăn trong đời và không biết có còn được ăn một lần nữa như thế không. Nghe mà muốn rơi nước mắt. Khi lên tàu, thủy thủ đoàn của các con tàu không số được tuyển chọn rất kỹ lưỡng về kinh nghiệm hàng hải, thể chất và chính trị. Trước khi làm nhiệm vụ họ được truy điệu sống và coi như đã hy sinh. Bước chân lên tàu không số, tất cả các đồng chí, đồng đội chúng tôi đều có cùng một suy nghĩ, chung một trái tim: Sẵn sàng cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh.
-Đọc trong hồi ký của bà, có một đoạn bà kể rất lãng mạn, đó là cảm xúc khi bà ngắm biển..?
-Đó cũng là một trải nghiệm khá lý thú của tôi. Từ trước tới lúc đó, tôi luôn thấy biển trong màu xanh lơ nhạt. Những ngày trên tàu không số, khi lên boong tàu hít thở không khí, tôi phát hiện là mặt biển không phải màu xanh lơ, nó như một tấm thảm xanh đen trải dài vô tận, không biết đâu là bờ, không một bóng cây, một cánh chim. Chiếc tàu như một chiếc lá trôi trên đại dương mênh mông... Và những ngày biển êm sóng lặng thì con tàu như lướt trên một thảm nhung đen huyền bí , nhưng lúc biển nổi gió, hay tàu phải đi ngang sóng khiến nó bị sóng đẩy lên rồi lại giật xuống từng hồi, cảm giác chúng tôi như cái hột vịt trong nồi nước sôi nhào lên lộn xuống, không biết đâu là đầu, đâu là chân, ruột gan tưởng như lộn ra ngoài hết... Cả đoàn nằm la liệt, riêng tôi đã uống thuốc chống nôn, lại ăn trái cây nên vẫn trụ được, không bị sóng “vật”.
-Và khi tàu cập bến Rạch Gốc…?
-Tôi thật sự khâm phục sự khéo léo và tài giỏi của anh em thủy thủ đoàn. Khi tàu chuẩn bị vào bến, để tránh tàu địch hay quân địch đóng trên bờ phát hiện, tàu tắt đèn đi ngầm trong bóng đêm đen đặc. Đường vào rất lắt léo, đầy rễ cây mắm, đước, tán cây giao nhau phía trên như một giàn ngụy trang thiên nhiên rất đẹp, mặt nước chỉ đủ cho một thân tàu, thế mà tàu cứ lướt êm không bị vướng mắc vào đâu.
Khi xuống tàu, tôi không thể đi nổi vì cảm giác chênh vênh chơi vơi như đang đứng trên sóng, tôi được 2 cô du kích ra đón, dìu hai bên, đi trên cây cầu đước dập dềnh, tưởng chừng như đi trên một đám mây không trọng lực.., nhưng cảm giác thì thú vị vô cùng. Sáng hôm sau, khi thật sự được ngắm mặt trời trên đất liền, dù vẫn đang ở tạm tại trạm tiếp đón của giao liên, dù vẫn cảm thấy như đang lênh đênh chòng chành, nhưng tôi say sưa nhìn màu xanh của những vạt mắm, đước, nó đẹp kỳ lạ. Như một biểu tượng của sức sống mãnh liệt của người dân Nam bộ, như một biểu tượng của cuộc sống trường tồn nơi mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc Việt Nam.
Hai ngày sau, con tàu không số quay lại miền Bắc, mang theo lá thư của bà gửi chồng và các con, cùng với một quyết tâm, hẹn ngày chiến thắng, Tổ quốc thống nhất, Nam Bắc sum vầy, sẽ đoàn tụ cả gia đình.
Kết thúc cuộc trò chuyện, bà Bảy Vân, cái tên thân mật và cũng là bí danh của bà kể từ khi bước lên tàu không số vào Nam hoạt động, không quên nhắc lại kỷ niệm nhỏ vào ngày lên tàu. Bà kể lại: Hôm đó tôi được một chiếc xe quân đội chở từ Hà Nội xuống Hải Phòng. Đến Đồ Sơn, trời tối, tôi không biết là đang ở đâu trên cái bán đảo này, chỉ biết người dẫn đường đưa tôi đi vòng vèo một đoạn khá lâu, thỉnh thoảng nhắc tôi cẩn thận kẻo va vào những cục gì đó… Và rồi tôi được đón lên tàu mà không biết là chỗ nào của Đồ Sơn. Mai này có dịp ra Hải Phòng, nhất định tôi phải đề nghị các anh cho tôi tới lại chỗ đó để ngắm lại nó, như một người bạn trong kỷ niệm.
Vâng, nhất định Hải Phòng, bến tàu không số sẽ đón bà như một đồng đội, như một người thân đi xa trở về.
| | | | | Hiện có 0 người đang truy cập Diễn Đàn, gồm: 0 Thành viên, 0 Thành viên ẩn danh và 0 Khách viếng thăm |
---|
|
|